Nghi án list 'Nhà văn giàu nhất Trung Quốc' sai vì hối lộ
Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014.
Người đăng:
Soạn Giả
Mới đây, hoạt động thống kê thường niên những 'Nhà văn giàu nhất Trung Quốc' đã dính nghi án thiếu tính chính xác, quá sai so với thực tế vì người phụ trách ăn hối lộ.
Danh sách "Nhà văn giàu nhất Trung Quốc" chẳng qua được lập ra bởi nhà báo và cũng là doanh nhân Ngô Hoài Nghiêu, do nhiều nguyên nhân mà thống kê này rất được tin tưởng và nhiều người biết đến, mục đích ban đầu của danh sách này là phản ánh thực tế thị hiếu đọc sách cũng như tình hình nền văn học Trung Quốc sau mỗi năm. Tuy nhiên, gần đây dấy lên nghi án rằng kết quả này đã không còn tính khách quan bởi những người dẫn đầu danh sách đa số là bạn của Ngô Hoài Nghiêu, trong một nhận định khác còn nói rằng người phụ trách Hoài Nghiêm đã thao túng kết quả này còn vì nhận hối lộ của những người muốn nhanh chóng nổi tiếng.
Tính chính xác của danh sách này luôn bị dính nghi ngờ trong vài năm gần đây, sự việc có vẻ đang xấu đi xung quanh bảng thống kê này cũng như người sáng lập và đang quản lý nó - Ngô Hoài Nghiêu. Trên trang VnExpress đã có bài Danh sách 'Nhà văn giàu nhất Trung Quốc' gây tranh cãi đưa tin về câu chuyện này như sau:
Hoạt động thống kê những cây viết kiếm nhiều tiền nhất vấp phải nghi ngờ về tính xác thực. Bên cạnh đó, nhiều nhà phê bình nhận định, việc làm này chưa tôn vinh giá trị văn học.
Trương Gia Giai (Zhang Jiajia) dẫn đầu danh sách "Nhà văn giàu nhất Trung Quốc" 2014 - với 19,5 triệu nhân dân tệ (hơn 67 tỷ đồng) tiền tác quyền thu được. Trương Gia Giai 34 tuổi, xuất bản tiểu thuyết đầu tiên vào năm 2005. Cuốn tiểu thuyết ra mắt cuối năm 2013 - I Belonged to You - bán được hơn 2 triệu bản sau 6 tháng phát hành và cán mốc 4 triệu bản bán ra trong năm - đây được đánh giá là kỳ tích trong giới xuất bản Trung Quốc.
Hai tác giả văn học thiếu nhi Trịnh Uyên Khiết và Dương Hồng Anh lần lượt ở các vị trí thứ hai và ba. Đây là những nhà văn liên tục giữ những vị trí đầu trong danh sách các năm trước.
Năm nay, hai gương mặt nổi tiếng Hàn Hàn, Quách Kính Minh lần lượt được xếp thứ sáu và bảy. Trong toàn bộ danh sách năm nay, các cây viết trẻ, chủ yếu ở thế hệ 8X chiếm ưu thế. Ngoài ra có sáu cây viết chưa đầy 30 tuổi lọt vào danh sách.
Trương Gia Giai và cuốn sách lập kỳ tích về lượng phát hành của anh. Ảnh: Sina.
Một điểm được chú ý khác trong danh sách năm nay là, nhà văn Mạc Ngôn rớt xuống vị trí 13 - với 6,5 triệu tệ (khoảng 22,4 tỷ đồng. Năm ngoái ông xếp thứ hai). Trên ông một bậc là Dương Giáng, nhà văn 103 tuổi. Đây cũng là tác giả cao tuổi nhất có tên trong danh sách năm nay.
Danh sách "Nhà văn giàu nhất Trung Quốc" ra đời năm 2006, do nhà báo, doanh nhân Ngô Hoài Nghiêu (sinh năm 1984) sáng lập. Đây là hoạt động văn hóa phản ánh xu hướng đọc sách của độc giả Trung Quốc. Tờ Nhân Dân Nhật Báo đánh giá, tác dụng của hoạt động này là khiến truyền thông, độc giả quan tâm hơn đến văn học cũng như nhà văn và các tác phẩm của họ, thúc đẩy văn hóa đọc ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, những năm qua, danh sách này luôn vấp phải nhiều ý kiến nghi ngờ tính chính xác, khách quan. Một người làm trong ngành xuất bản cho biết trên Ifeng, Ngô Hoài Nghiêu thao túng việc bình chọn, thống kê, làm ảnh hưởng đến tính chân thực của danh sách. "Một số người là bạn của Hoài Nghiêu, một số người chi tiền để có tên trong danh sách nhằm tăng sự nổi tiếng. Trên thực tế, nhiều tác giả khác có thu nhập nhiều hơn những người có tên trong danh sách", vị này nói.
Bản thân Dương Hồng Anh - người giữ vị trí đầu trong danh sách năm 2010 - cũng nghi ngờ tính chính xác của việc thống kê. "Kết quả này từ đâu ra? Chẳng có căn cứ gì cả. Tôi chỉ công nhận kết quả của Tổng cục Thuế”, nhà văn có lần nói.
Mặt khác, không ít nhà phê bình cho rằng, các hoạt động đánh giá, bình chọn, trao giải "Nhà văn giàu nhất Trung Quốc" dần chệch hướng, khiến văn học bị "giải trí hóa". Nhà phê bình văn học Bạch Diệp cho biết, ông không phủ nhận giá trị của danh sách nhưng cho rằng, hoạt động chưa tôn vinh những tác phẩm thuần văn học mà chỉ nêu cao các giá trị "bán chạy" và "số lượng phát hành". Những tác giả thuần văn học ngày càng ít xuất hiện trong danh sách. Năm nay, người được xếp cao nhất là Dương Giáng - ở vị trí 12.
Nhà văn nổi tiếng A Lai - người từng đoạt Giải thưởng văn học Mao Thuẫn - cũng cho rằng hoạt động thống kê "Nhà văn giàu nhất Trung Quốc" còn hạn chế, đó là không nhắc đến cống hiến của tác giả cho văn học, tư tưởng mà chỉ đề cao việc họ kiếm được bao nhiêu tiền. Học giả Hồ Dã Thu có quan điểm tương tự: "Hiện nay, dư luận quan tâm nhiều hơn đến tiền thưởng, tài sản của những tác giả trong sanh sách, điều này có chút đi chệch hướng. Một danh sách tác giả đích thực cần kết hợp được với tác phẩm, để đánh giá tác giả đó có đóng góp gì, giá trị như thế nào với xã hội".
Bản thân các bảng thống kê dạng này vốn chỉ mang tính tham khảo, tuy nhiên khi quá nhiều người biết và coi trọng nó thì mặc nhiên danh sách đấy trở nên có cân nặng không hề nhỏ, tầm ảnh hưởng cũng lớn dần, lợi ích sinh ra từ đấy cũng rất hấp dẫn, vì thế những cám dỗ vây quanh người phụ trách hay ganh ghét đố kỵ nghi vấn nảy sinh từ những người không thuộc danh sách đó cũng xuất hiện và lớn dần. Xét cho cùng thì cái gọi là "Nhà văn giàu nhất Trung Quốc" cũng chỉ là một thống kê vẫn đang mang tính chất hoàn toàn cá nhân không hơn không kém.
Mộc Ký
Bài liên quan